(HGTV) Vừa qua, tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ,  Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính nhấn mạnh: “cải cách hành chính là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng khó mấy cũng phải làm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ.” Trên tinh thần này, nhiều chỉ đạo quan trọng thực hiện trên cả nước vào thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sáng 19/10 

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị quyết liệt thúc đẩy cải cách hành chính và quan tâm bố trí nhân lực, nguồn lực, thời gian cho vấn đề này. Việc phân cấp giữa Chính phủ với các bộ; các bộ với nhau; bộ với địa phương, cần rõ hơn. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách phát sinh từ thực tiễn cần điều chỉnh kịp thời.

Trước mắt, các đơn vị hoàn thành ngay phương án cắt giảm, đơn giản quy định trong hoạt động kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong tháng 12; kiện toàn bộ phận một cửa các cấp.

Chậm nhất đến quý I/2023 cần hoàn thành hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin điện tử cấp bộ, tỉnh, để hình thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung duy nhất; hoàn thành chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Thông tin mà người dân, doanh nghiệp cần khai báo sẽ được cắt giảm 20%, trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu được số hóa. Trong tháng 10, các bộ sẽ hoàn thành sắp xếp bộ máy, đảm bảo tinh gọn.

Thủ tướng cũng nêu rõ tiếp tục thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công của Nhà nước cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm. “Tinh thần là nơi nào làm tốt, hiệu quả hơn thì giao việc”.

Chủ trương tinh giản biên chế tiếp tục được đẩy mạnh; chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài cho nền công vụ sẽ được hoàn thiện.

Tại Hậu Giang, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Tỉnh vào cuộc mạnh mẽ chuyển đổi số ở 3 nhóm: Chính phủ số, Xã hội số, Kinh tế số với kỳ vọng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt, tối ưu năng suất lao động và tiết kiệm chi phí sản xuất, khơi dậy sự sáng tạo.

Ngày 2-10-2020, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hậu Giang (IOC) ra mắt khởi động cho quá trình chuyển đổi số của Hậu Giang với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Trung tâm như “bộ não” hỗ trợ UBND Tỉnh và các Sở, ban, ngành thực hiện việc giám sát, điều hành hoạt động hàng ngày. Nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin và trang thiết bị công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước của Tỉnh.

Từ những bước đi vững chắc, Tỉnh ban hành hàng loạt văn bản quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đến nay, có hơn 1.800 thủ tục hành chính được thực hiện trên cổng dịch vụ công của tỉnh với dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt hơn 1.200 thủ tục. Khoảng cách địa lý được phá vỡ, năm qua tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 99%.

Tỉnh hoàn thành 100% Tổ công nghệ số đến cấp xã theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hơn 500 tổ công nghệ số ở ấp, khu vực được thành lập với hơn 3.700 thành viên hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng, phần mềm với mục tiêu hướng đến mỗi hộ gia đình có 1 người được hướng dẫn và  thành thạo các ứng dụng.

Điểm nhấn trong chuyển đổi số là ứng dụng di động Hậu Giang (Hậu Giang app) cho phép người dân tương tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp. Năm qua, app nhận hơn 3.100 phản ánh tất cả được xử lý đúng hạn. Đây là điều rất tốt khi mà các cơ quan nhà nước có ý thức, trách nhiệm trong việc xử lý, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân, từ đó góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Thông qua app Hậu Giang, người dân có bức xúc, phản ánh, kiến nghị chỉ cần chụp ảnh, gửi nội dung đến app Hậu Giang, hệ thống ghi nhận và giám sát việc giải quyết của các sở, ngành công khai, minh bạch, tạo niềm tin.

Năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Hậu Giang có 3 trong số 4 chỉ số tăng hạng so với những năm trước. Cụ thể:

– Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố tăng 1 hạng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố tăng 1 hạng;

– Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố tăng 1 hạng.

– Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố tăng hai hạng;

– Chỉ số Quản trị và hành chính công (PAPI) xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.